“Một số trò chơi ứng dụng STEM tăng cường hứng thú học tập tiếng Anh của học sinh trường THCS và THPT Chi Lăng”

Chủ nhật - 15/12/2024 00:14
Thực hiện Kế hoạch 49/KH-CL ngày 16/9/2024 của trường THCS&THPT Chi Lăng về thực hiện các nhiệm vụ năm học 2024-2025 và Kế hoạch số 01/KH-TCM ngày 20/09/2024 của tổ Tiếng Anh, cùng hoà mình vào ngày hội STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics) do trường THCS&THPT Chi Lăng tổ chức ngày 07 tháng 12 năm 2024, các thầy cô nhóm Tiếng Anh THCS đã hướng dẫn học sinh khối 8 xây dựng bộ sản phẩm “Đố vui để học” nhằm giúp các em học sinh vừa giải trí vừa ôn tập củng cố kiến thức đã học. Bộ câu hỏi dựa trên các bài ôn tập trong sách giáo khoa, đề cương ôn tập của tổ chuyên môn, tài liệu tham khảo hoặc những câu hỏi của chính các em học sinh đặt ra trong quá trình học tập.
“Một số trò chơi ứng dụng STEM tăng cường hứng thú học tập tiếng Anh của học sinh trường THCS và THPT Chi Lăng”
 
 
Một số hình ảnh các học sinh khối 8 tham gia ngày hội STEM cấp trường ngày 07/12/2024
         Ý tưởng nảy sinh ngay từ chính các em học sinh khi nhận thấy bản thân thường căng thẳng trước các kì kiểm tra, do đó các em cần có một hệ thống đố vui giúp bản thân thư giãn nhưng vẫn ôn tập được các kiến thức đã học một cách tự nhiên và hiệu quả, đồng thời thể hiện được óc thẩm mỹ, tư duy logic, và xây dựng được thói quen tự học, chủ động trong học tập.
        Từ đó các thầy cô tổ Tiếng Anh đã cùng học sinh thảo luận và thống nhất chế tạo 3 sản phẩm trò chơi: Lucky Wheel (vòng quay may mắn), Board game (đường đua kì thú), Footballing (Sút bóng) từ những nguyên vật liệu dễ tìm, thân thiện với môi trường, tái sử dụng rác  như: hộp quà carton, nắp chai nhựa, nắp ly trà sữa, ống hút…
Lucky Wheel (vòng quay may mắn):
           Dựa trên cảm hứng từ Cối xay gió trong các tác phẩm văn học, cùng với trò chơi quay số trúng thưởng rất phổ biến, các em học sinh đã tạo ra mô hình Lucky Wheel (vòng quay may mắn) từ các thanh đè gỗ (có thể thay thế bằng muỗng nhựa, tăm bông, xếp giấy….) cùng với nắp chai nước, ống hút và bìa carton các hộp bánh kẹo. Ưu điểm của sản phẩm là có thể tháo lắp dễ dàng nên việc di chuyển, bảo quản rất thuận tiện. Học sinh chơi cá nhân bằng hình thức quay số để nhận được điểm/ phần thưởng tương ứng khi trả lời đúng câu hỏi.
Để làm được mô hình, học sinh cần áp dụng kiến thức các môn học: Toán (hình thang cân, hình tròn, chia đều…); Vật Lý (lực cơ học, quán tính, lực cân bằng tĩnh…)


Board game (đường đua kì thú):
          Các em học sinh nảy sinh ý tưởng từ các trò chơi dân gian như: cờ tỷ phú, cờ cá ngựa… Học sinh có thể chơi cá nhân, cặp hoặc nhóm nhiều học sinh chia đội để thi đấu sẽ càng kịch tính và hấp dẫn. Mỗi học sinh tuần tự gieo xúc xắc để di chuyển xe/thú (xếp giấy origami) trên đường ray, xe dừng ở ô chữ nào thì trả lời câu hỏi. Nếu trả lời sai thì mất lượt, trả lời đúng sẽ tiếp tục gieo xúc xắc để đi tiếp. Học sinh/ cặp/ nhóm về đích trước sẽ ghi điểm/ nhận thưởng. Trò chơi tưởng chừng như đơn giản, nhưng muốn nhanh chóng về đích, học sinh cũng cần có chiến thuật, nhờ đó cũng phát triển được nhiều kĩ năng hơn.
         Để làm và sử dụng được mô hình, học sinh cần áp dụng các kiến thức môn Toán như: chia đều, xác suất, các phép tính cơ bản: cộng, trừ… Trò chơi được thiết kế đơn giản, ngay cả những học sinh trung bình cũng có thể tự làm. Vật liệu lại dễ tìm, từ các tấm bìa carton hoặc giấy roki và bút màu. Bên cạnh đó học sinh còn được thoả sức sáng tạo với nghệ thuật gấp giấy origami để làm ra các con vật đạ dạng, phong phú, bắt mắt.

Footballing (Sút bóng)
        Với những học sinh yêu thích thể thao, đặc biệt bóng đá lại nảy sinh ý tưởng về trò chơi sút bóng vào khung thành. Trò chơi này có thể áp dụng cho từng cá nhân hoặc chia 2 đội để thi đua. Học sinh búng bóng (làm từ 2 nắp chai nhựa dán dính lại) vào khung thành có ghi số (+1, +2, mất lượt, -1), bằng cách điều chỉnh lực của dây thun tác động vào nắp chai. Học sinh trả lời câu hỏi đúng sẽ nhận được số điểm thưởng/ phần thưởng tương ứng với số ghi trong khung thành.
Để làm và sử dụng được mô hình, học sinh cần áp dụng kiến thức các môn học: Toán (hình chữ nhật, hình tròn, chia đều, góc…); Vật Lý (lực cơ học, ma sát, lực đàn hồi, phản lực…)

           Như vậy, trong những trò chơi trên, ngoài kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, thông tin lấy từ môn Tiếng Anh lớp 8 để xây dựng bộ câu hỏi, học sinh còn được áp dụng rất nhiều những kiến thức liên môn, từ Toán học như: xác suất, các phép tính đơn giản: cộng, trừ, góc, chia đều, hình khối, hình hộp…, môn Vật Lý như: lực cơ học, gia tốc, ma sát, lực cân bằng, phân bố lực, lực đàn hồi, trọng tâm, phản lực…, môn Mỹ thuật: làm mô hình, vẽ trang trí, môn Hoạt động trải nghiệm như: kĩ năng mềm: xử lý tình huống, thuyết trình, phản biện, lập kế hoạch, chế tạo sản phẩm, làm việc nhóm, tích luỹ kinh nghiệm …, môn Giáo dục địa phương: bảo tồn các nét văn hoá dân gian, truyền thống.
Thông qua các trò chơi, học sinh tích cực, chủ động tìm tòi các phương pháp học tập, tự nghiên cứu, thể hiện óc thẩm mỹ, tính sáng tạo, phát triển tư duy logic trong quá trình tạo sản phẩm, phát triển các kĩ năng mềm, giúp hỗ trợ nghề nghiệp tương lai, đồng thời mục đích chính là ôn tập kiến thức vẫn rất hiệu quả.
         Thời gian làm sản phẩm không mất nhiều thời gian, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng về hình thức, nội dung, các sản phẩm có thể áp dụng linh hoạt, đa dạng với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, nhiều môn học khác nhau theo hình thức riêng lẻ, tích hợp hoặc liên môn. Câu hỏi có thể hình thành cuốn chiếu theo nội dung bài học, thay thế hoặc bổ sung thêm khi cần thiết. Sản phẩm làm ra đơn giản, học sinh trung bình trở lên đều có thể tự làm, nhưng vẫn thẩm mỹ, hiệu quả, có thể tái sử dụng nhiều lần.
         Các bài học STEM luôn dựa trên những câu chuyện hoặc những vấn đề xảy ra trong thực tế. Nhờ đó, học sinh cảm thấy những bài học trở nên sinh động và gần gũi. Các chủ đề học tập rất phong phú, không chỉ về khoa học mà còn về xã hội, văn hóa, và các môn nghệ thuật. Ở đó, học sinh được khuyến khích vận dụng óc sáng tạo về các môn nghệ thuật, các kiến thức về lịch sử và nhân văn để tạo ra một sản phẩm mới, có giá trị và ý nghĩa cho học tập, và cho xã hội.
 
          Có thể nói sân chơi STEM đã mang lại cho học sinh rất nhiều bài học bổ ích, giúp phát triển sự khéo léo sáng tạo, học kỹ năng giải quyết vấn đề, rèn luyện sức bền bỉ, khuyến khích các cuộc thử nghiệm, làm việc nhóm, áp dụng kiến thức vào thực tiễn…Do đó sân chơi STEM chính là một trong những định hướng mà giáo dục cần tiếp cận. 
                                                                                                                                             NHÓM NGOẠI NGỮ THCS
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

trai
phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây