BÁO CÁO THAM LUẬN Đổi mới kiểm tra đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Tại hội nghị cán bộ viên chức trường THCS &THPT Chi Lăng năm học 2023-2024)

Thứ tư - 20/09/2023 09:26
Kính thưa đại hội,
Trước tiên cho phép tôi được gửi lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc đến toàn thể các thầy, cô giáo về dự hội nghị hôm nay. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Được sự cho phép của ban tổ chức đại hội, tôi xin trình bày tham luận với nội dung: Đổi mới kiểm tra đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kính thưa các thầy cô,
Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 là chương trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Theo đó, năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.
Như vậy, với quan niệm trên, đánh giá kết quả học tập của học sinh phải theo hướng tiếp cận năng lực. Điều này đòi hỏi việc chú trọng vào khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau.
Trong quá trình dạy học, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự đổi mới thông qua 3 điểm chính sau:
Một là, dạy học thông qua việc tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập giúp học sinh có thể chủ động tiếp thu kiến thức chứ không hề bị động như trước kia, từ đó, tạo cho học sinh cách phản ứng trước mọi vấn đề. Để làm được như vậy, đòi hỏi giáo viên phải là một người biết điều phối quá trình dạy học.
Hai là, rèn luyện cho học sinh cách khai thác và sử dụng tài liệu trong học tập. Đồng thời, giúp học sinh thực hiện các kỹ năng phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, tương tự, … để dần hình thành và phát triển tài năng sáng tạo.
Ba là, tăng cường sự phối hợp, làm việc giữa cá nhân và tập thể để học sinh có thể làm quen với kỹ năng làm việc nhóm từ đó vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân và tập thể để giải quyết nhiệm vụ học tập chung.
Trên cơ sở đó việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo hướng tiếp cận năng lực phải tập trung vào 4 định hướng sau:
1. Chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập (đánh giá tổng kết) nhằm mục đích xếp hạng, phân loại sang sử dụng các loại hình thức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ sau từng chủ đề, từng chương nhằm mục đích phản hồi điều chỉnh quá trình dạy học (đánh giá quá trình);
2. Chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kĩ năng sang đánh giá năng lực của người học. Tức là chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức, … sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đặc biệt chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo;
- Chuyển đánh giá từ một hoạt động gần như độc lập với quá trình dạy học sang việc tích hợp đánh giá vào quá trình dạy học, xem đánh giá như là một phương pháp dạy học;
- Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá: sử dụng các phần mềm thẩm định các đặc tính đo lường của công cụ (độ tin cậy, độ khó, độ phân biệt, độ giá trị) và sử dụng các mô hình thống kê vào xử lý phân tích, lý giải kết quả đánh giá.
Với những định hướng trên, đánh giá kết quả học tập cần phải thực hiện 4 việc sau:
1. Dựa vào chuẩn kiến thức, kĩ năng (theo định hướng tiếp cận năng lực) và dựa vào yêu cầu cơ bản cần đạt về kiến thức, kĩ năng, thái độ (theo định hướng tiếp cận năng lực) của học sinh của cấp học.
2. Phối hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh, giữa đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, cộng đồng.
3. Kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá này.
4. Có công cụ đánh giá thích hợp nhằm đánh giá toàn diện, công bằng, trung thực, có khả năng phân loại, giúp giáo viên và học sinh điều chỉnh kịp thời việc dạy và học.
Như vậy, chương trình mới, môn học mới buộc nhà trường phải đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng thực tế, ứng dụng, linh hoạt hơn. Trong đánh giá thành tích học tập của học sinh không chỉ đánh giá kết quả mà chú ý cả quá trình học tập, cần sử dụng phối hợp các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá khác nhau. Kết hợp giữa kiểm tra miệng, kiểm tra viết, bài tập thực hành; kết hợp giữa trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan, việc kết hợp hai hình thức kiểm tra này sẽ phát huy được những ưu điểm và hạn chế bớt những nhược điểm của mỗi hình thức kiểm tra.  
Trên đây tôi vừa trình bày bài tham luận của mình, rất mong được nhiều ý kiến đóng góp từ phía thầy cô. Xin chân thành cảm ơn.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

trai
phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây