Đầu tiên cho phép tôi gửi đến quý vị lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất!
Được chủ trì Hội nghị cho phép, tôi xin thay mặt cho giáo viên trong tổ Văn THPT trình bày tham luận: “Đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn trong thực hiện CT GDPT 2018”
Kính thưa Hội nghị!
Đổi mới giáo dục đang được toàn xã hội quan tâm. Đổi mới phương pháp dạy học trong CTGDPT 2018 theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng qua đó hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện CTGDPT 2018 cho HS khối 10, dù còn nhiều bỡ ngỡ và lúng túng trong thực hiện chương trình mới nhưng tổ Văn THPT đã bước đầu vận dụng có hiệu quả một số giải pháp dạy học tích cực, xin phép chia sẻ trong Hội nghị cán bộ- viên chức hôm nay.
I.THỰC TRẠNG
Thuận lợi:
- Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm sát sao với việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu của chương trình GDPT 2018.
- Cơ sở vật chất được trang bị khá hiện đại tại các lớp như: máy tính, máy chiếu, mạng internet, phòng thực hành,…để thuận lợi nhất trong việc ứng dụng CNTT và sử dụng các thiết bị trong quá trình học tập.
- Giáo viên nhiệt tình, thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học của mình phù hợp với tình hình mới. Tích cực sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả
- Học sinh ngày càng nhanh nhạy, năng động hơn trong việc tìm kiếm các thông tin cũng như là sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại…
Khó khăn
- Một số phòng học, phòng bộ môn chưa đáp ứng được việc giảng dạy phương pháp tích cực
- Sỉ số học sinh trong một lớp khá đông, giáo viên khó kiểm soát được hoạt động của HS trong giờ học đặc biệt trong thảo luận nhóm vì thế nhiều học sinh ỉ lại, dựa dẫm, không tích cực, chưa chủ động suy nghĩ, tìm tòi kiến thức.
- Một số ít giáo viên còn lúng túng trong việc dạy học theo hướng tiếp cận nội dung sang dạy học tiếp cận năng lực…
II.GIẢI PHÁP
1. Đổi mới việc thiết kế và chuẩn bị kế hoạch bài dạy: xác định các mục tiêu dạy học về kiến thức, kỹ năng một cách rõ ràng, chú ý những nội dung có thể phát triển các năng lực chung khác phù hợp đặc trưng bộ môn .
2. Cải tiến các PPDH truyền thống: phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, luyện tập luôn là những PP quan trọng trong dạy học. Đổi mới PPDH không có nghĩa là loại bỏ các PPDH truyền thống quen thuộc mà cần bắt đầu bằng việc cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng.
3. Kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học: Mỗi phương pháp và hình thức dạy học có những ưu, nhựơc điểm và giới hạn sử dụng riêng. Vì vậy việc phối hợp đa dạng các PP và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng. Dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, dạy học cá thể được kết hợp với nhau rất hiệu quả. Nhiều giáo viên đã cải tiến theo hướng kết hợp thuyết trình của giáo viên với hình thức làm việc nhóm, góp phần tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh.
4. Vận dụng dạy học giải quyết vấn đề (GQVĐ): Dạy học GQVĐ (dạy học nêu vấn đề, dạy học nhận biết và giải quyết vấn đề) nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề. Học sinh được đặt trong một tình huống có vấn đề, đó là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp học sinh lĩnh hội tri thức, kỹ năng và PP nhận thức. Có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của học sinh.
5. Vận dụng dạy học định hướng hành động: Đây là quan điểm dạy học nhằm làm cho hoạt động trí óc và hoạt động chân tay kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong quá trình học tập, học sinh thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành các sản phẩm hành động, có sự kết hợp linh hoạt giữa hoạt động trí tuệ và hoạt động tay chân.
6.Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin trong dạy học: Nhằm tăng cường tính trực quan và thực hành trong dạy học. Việc sử dụng các PTDH cần phù hợp với mối quan hệ giữa PTDH và PPDH.
7. Sử dụng các kỹ thuật dạy học “động não”, “tia chớp”, “bể cá”… nhằm phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh…
8. Bồi dưỡng phương pháp học tập cho HS: cụ thể là phương pháp thu thập, xử lý, đánh giá thông tin, phương pháp tổ chức làm việc, PP làm việc nhóm… tích cực hoá hoạt động, phát huy tính sáng tạo của học sinh.
9. Đổi mới việc kiểm tra đánh giá: Bám sát thông tư 22 của Bộ giáo dục& đào tạo
Trong đánh giá thành tích học tập của HS không chỉ đánh giá kết quả mà chú ý cả quá trình học tập. Đánh giá thành tích học tập theo quan điểm phát triển năng lực không giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp, được thể hiện qua những bài KTTX, KT định kỳ.
Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic.
Giáo viên tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe đảm bảo mục tiêu cần đạt của chương trình môn Ngữ văn.
III. KẾT QUẢ
Đổi mới phương pháp dạy học trong thực hiện chương trình GDPT 2018 trong năm học 2022-2023 đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn của học sinh khối 10; Vận dụng tích cực hiệu quả các phương pháp giúp học sinh nắm vững kiến thức sau mỗi giờ học, bài học, góp phần hình thành nhân cách con người mới năng động, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống; Đặc biệt là kĩ năng, thái độ và hành vi, kĩ năng sống được trau dồi qua việc học tập tích cực như: hợp tác, trao đổi với bạn bè, thể hiện ý kiến thái độ chủ quan trước những vấn đề đặt ra; tự tìm tòi khám phá nội dung bài học … từ đó học sinh dần dần hình thành thói quen học tập, làm việc nhóm, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ cấp học. Chất lượng bộ môn Ngữ văn của học sinh khối 10 cuối năm vượt chỉ tiêu mà tổ chuyên môn đã đề ra.
Trên đây là một số giải pháp đổi mới phương pháp dạy học trong thực hiện CTGDPT 2018 mà tổ chúng tôi áp dụng trong năm qua, rất mong nhận được sự chia sẻ của quý đồng nghiệp. Cuối cùng, tôi xin kính chúc quý vị đại biểu, quý thầy cô và anh chị nhân viên trong nhà trường sức khoẻ, hạnh phúc! Chúc Hội nghị cán bộ- viên chức của trường ta thành công tốt đẹp, xin thành cảm ơn!